“Có trên 95% các em chưa nhận thức đúng về kỹ năng sống (KNS), 77,7% chưa bao giờ được đào tạo, tập huấn về KNS, 76,4% cho biết rất cần được tập huấn kiến thức về KNS và hầu hết các em lúng túng khi trả lời hoặc chưa biết cách xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống”.
Đó là kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội, tiến hành đối với hơn 1.000 HSSV thuộc mười trường ĐH, CĐ và phổ thông. Có thể với quy mô của cuộc khảo sát, kết quả trên đây chưa phải là bức tranh toàn cảnh, nhưng những con số này cùng với hiện thực xã hội đã phản ánh được thực trạng thiếu hụt trầm trọng về KNS của giới trẻ hiện nay.
Sự thiếu hụt KNS của giới trẻ, trong đó có một bộ phận lớn vẫn đang được tiếp nhận sự giáo dục của nhà trường, còn được phản ánh ở một khía cạnh khác. Tại một cuộc hội thảo mới đây, TS Phùng Khắc Bình, vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT), đánh giá từ chỗ “chưa có nhận thức và hành vi đúng đắn, lối sống ích kỷ, ham hưởng thụ, đua đòi chạy theo giá trị vật chất, từ những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống dẫn đến một bộ phận HSSV sa đà vào tệ nạn xã hội và phạm tội”.
Từ năm 2005 đến nay, tình trạng HSSV phạm pháp có nhiều dấu hiệu ngày càng phức tạp cả về tính chất, mức độ lẫn sự nghiêm trọng. Nhận định này được ông Bình dẫn chứng bằng những con số cụ thể: Thống kê chưa đầy đủ từ năm 2005 đến 2008, có hơn 8.000 trường hợp HSSV vi phạm pháp luật hình sự với nhiều hành vi: đánh nhau gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, xâm hại sức khỏe, tính mạng cho đến tội phạm ma túy, giết người...
Tình trạng HS phổ thông bỏ học hoặc vẫn còn đang đi học kết thành băng nhóm sử dụng ma túy, gây ra các vụ đánh nhau, gây rối xã hội, cướp tài sản có xu hướng tăng…
Dẫn đến thực trạng này, được nói đến lâu nay bao gồm nhiều nguyên nhân: từ xã hội, gia đình, nhà trường cho đến bản thân giới trẻ. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, rõ ràng ở góc độ “bản thân giới trẻ”, sự thiếu hụt kiến thức, hiểu biết để giải quyết những vấn đề của cuộc sống, sự lệch lạc trong nhận thức và hành vi dẫn đến các sai phạm, sống thiếu trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng… chính là hậu quả trực tiếp của việc thiếu những KNS cần thiết.
Do thiếu KNS nên khi bước vào giai đoạn vị thành niên, có những biến đổi về tâm sinh lý, không ít bạn trẻ đã không có đủ hiểu biết, không tự chủ, không kiểm soát được hành vi… dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Trách nhiệm lấp đầy khoảng trống KNS cho người vị thành niên thuộc về ai? Trước hết là nhà trường. Thậm chí, theo các chuyên gia, KNS phải trở thành một nội dung giáo dục chính khóa trong nhà trường, để tất cả HS phổ thông đều được tiếp cận.
Nhưng đến đây lại một vấn đề khác được đặt ra: Bộ GD-ĐT đã phải mất đến hàng chục năm để nghiên cứu, chương trình giáo dục phổ thông đã được đổi mới vài lần nhưng vẫn chưa có những nội dung giáo dục KNS. Gần đây nhất, bộ cho biết sẽ tích hợp một số kiến thức về KNS vào nội dung một vài môn học và năm 2010 là mốc để bộ dự kiến… thí điểm.
Bản thân các cơ sở giáo dục không ít nơi cũng đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc giáo dục KNS cho HSSV, nhưng nhà trường lại bị giới hạn bởi sự quá tải của chương trình chính khóa, sức ép của các con số đánh giá thành tích về trí dục…
Theo nhiều chuyên gia, để giải bài toán khó này, ngành giáo dục phải tính toán “tán nhuyễn” nội dung giáo dục KNS vào các môn học, đồng thời môn giáo dục công dân phải được xây dựng phù hợp thực tế, hấp dẫn, không khô khan như hiện nay.
Đồng thời, mong muốn giới trẻ bước vào tuổi trưởng thành sớm có được những KNS cần thiết thì đừng để nhà trường đơn độc trong việc tìm kiếm phương thức giáo dục KNS, các tổ chức Đoàn, Hội thanh niên, sinh viên, các tổ chức xã hội... cùng chung tay góp phần lấp đầy khoảng trống này.