Cô tên là Nguyễn Thu Hiền, 33 tuổi. Rất yêu trẻ nên sau khi tốt nghiệp trung học, cô xin đi học một lớp đào tạo giáo viên tiểu học.
Học xong, không kiếm được việc làm, cô buồn lắm. Cha mất sớm, một mình mẹ lam lũ nuôi 4 đứa con còn nhỏ dại nên Hiền chỉ có một ước mơ là làm một việc gì đó để đỡ đần mẹ. Mấy cô bạn thân khuyên cô nên nộp đơn xin học trung cấp y, cô nghe theo ngay. Sau 3 năm đèn sách, cô được điều về bệnh viện Đống Đa làm điều dưỡng viên Khoa Truyền nhiễm.
Vào những năm 1997- 1998, số người nhiễm HIV còn lác đác. Những năm sau số bệnh nhân ngày càng nhiều, phải xếp hai bệnh nhân nằm chung một giường. Có ngày 2 người chết, có ngày 4 người. Nỗi lo lắng nhiễm bệnh và công việc phục vụ bệnh nhân quá vất vả trở thành nỗi ám ảnh nặng nề và kéo dài khiến nhiều cô bạn của Hiền xin chuyển sang khoa khác hoặc bệnh viện khác.
Hiền cũng ngại và sợ. Ngày đêm tiếp xúc với những bệnh nhân lở loét, mụn hạch đầy người, mặt mũi xám ngoét, ăn uống trên giường, đi vệ sinh cũng trên giường, xung quanh là hàng đống rác rác thải tanh tưởi, hôi thối. Cũng như nhiều cô bạn cùng lứa tuổi, Hiền đã có chồng có con, có những ước mơ hạnh phúc gia đình. Nói dại, nếu cô bị lây nhiễm HIV thì quãng đời phía trước của cô và chồng cô sẽ ra sao đây? Cứ nghĩ đến điều đó là ớn lạnh cả xương sống rồi. Ở lại thì bản thân và gia đình chịu thiệt thòi quá nhiều. Còn bỏ đi khác nào bỏ mặc nhưng thân hình gầy guộc, xiêu vẹo đang bám lấy mình như một mẩu phao hy vọng thì không đành lòng một chút nào.
Cuối cùng, trong cuộc chiến với chính mình, Hiền đã thắng. Suốt 8 năm nay, cô đã lau nước mắt cho biết bao nhiêu người, đã an ủi họ. Nhiều gia đình, sau khi đưa được thân nhân vào viện là phó mặc hết cho Viện. Lâu lâu, cha mẹ, anh chị em và bạn bè xách túi quà đến thăm, nhưng chỉ sau mươi phút, nửa giờ đã nhấp nhổm đi ngay. Họ sợ lây bệnh nên khi đưa vật gì cho bệnh nhân, họ rón rén chìa bàn tay đã đeo găng cẩn thận. Có bệnh nhân sắp từ giã cõi đời bày tỏ một nguyện vọng da diết là được trở về nhìn lại lần cuối ngôi nhà mình từng ở, chiếc giường từng nằm và khuôn mặt thân thương của những người trong gia đình. Hiền đã chục lần gọi điện thoại báo cho gia đình họ biết nhưngở đầu dây bên kia không có ai nhấc máy. Hiền đã từng bưng đến giường bệnh những suất ăn do bệnh viện cấp phát đúng lúc người bệnh trút hơi thở cuối cùng, người vuốt mắt cho kẻ xấu số vẫn là Hiền. Mấy năm trước, ở khu nhà cũ, mỗi khi phải khiêng tử thi xuống nhà xác thì Hiền và một cô bạn trong tổ mỗi người một đầu cáng. Hiền kể lại: “ Cầu thang dốc, chân người chết cứ thúc thúc vào lưng cháu, đêm về ngủ cứ giật mình thon thót”.
Hiền được các bệnh nhân AIDS ở đây yêu quý, tin cậy nên có nỗi niềm tâm sự gì, họ cũng trao gửi cho cô. Cô có bí quyết gì chăng? Không, cô chỉ có nột tấm lòng thương xót vô hạn của một con người đối với những số phận bất hạnh. Bàn tay không đeo găng, cô dịu dàng nắm lấy cổ tay người bệnh xem họ có sốt hay không. Chỉ một cử chỉ đơn giản ấy thôi cũng đã xoá đi những mặc cảm xa vời giữa người nhiễm HIV với một nhân viên y tế.
Kết thúc câu chuyện với tôi, Hiền tha thiết đề nghị. “ Khi nào viết về các bệnh nhân HIV/AIDS, xin bác chuyển giúp nỗi lòng mong mỏi của cháu đến với các bạn đọc và đồng bào xa gần là đưng bao giờ dửng dừn, xa lánh họ. Không phải bệnh nhân HIV/AIDS nào cũng tiêm chích ma tuý, mua bán dâm hoặc có một quá khứ tội lỗi. Người ấy có thể là một công an dũng cảm hay một chị công nhân gương mẫu. Người ấy cũng có thẻ là cha mẹ, vợ chồng, con cái hay chính mình không may đạp phải một mũi kim tiêm mà bọn tiêm chích dùng xong vứt bừa bãi ra bến xe, chợ. Do phải tiếp xúc với các bệnh nhân HIV nên cháu hiểu được tâm trạng của họ, Họ có hai nỗi đau: nỗi đau về bệnh và nỗi đau về sự cô đơn giữa xã hội loài người. Đối với nỗi đau bệnh, họ có thể cắn răng chịu đựng cho đến khi chết, nhưng nỗi đau bị gia đình và xã hội ruồng bỏ thì họ khó chịu đựng nổi vì nó khủng khiếp quá”.